Hội thảo thúc đẩy và phát triển mô hình điểm du lịch học tập cộng đồng

Vào ngày 20/3/2021, Nhóm nghiên cứu Môi trường và Tài nguyên sinh học (DN-EBR) Khoa Sinh – Môi trường – Trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng và đại diện lãnh đạo nhà trường đã tham dự Hội thảo thúc đẩy và phát triển mô hình điểm du lịch học tập cộng đồng – Xã Cẩm Thanh – Hội An – Tỉnh Quảng Nam.

Sự kết hợp giữa tri thức, kỹ năng, năng lực và sức sáng tạo của nhà khoa học, cộng đồng địa phương và lãnh đạo địa phương là vô cùng cần thiết để hướng đến phát triển bền vững – thông qua du lịch sinh thái bền vững. Hướng đến triết lý phát triển du lịch bền vững dựa vào cộng đồng với mô hình Trường Đại học kết nối với Điểm du lịch học tập cộng đồng địa phương, cụ thể ở đây là xã Cẩm Thanh, Hội thảo đã được tổ chức để huy động tổng hợp các nguồn lực trên cho sự hợp tác lâu dài, hiệu quả để đạt mục tiêu chung.

Với sự hình thành 4 nhóm cộng đồng tại Cẩm Thanh: Cộng đồng không rác thải; Cộng đồng rau Đồng Giá; Cộng đồng Rừng dừa nước; Cộng đồng rau Thanh Đông, địa phương đã phát huy hợp lực tất cả đối tượng có liên quan để phát triển du lịch gắn kết với cộng đồng. Sử dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau và phù hợp với từng nhóm đối tượng có liên quan như: khai thác tiếp cận DPSIR với đối tượng sinh viên/ học viên/ người học và Tiếp cận ABCD dành cho người dân và Tiếp cận Nâng cao năng lực cá nhân để giải quyết các vấn đề đặt ra.

Về phần nhà trường, có thể đóng góp về Kiến thức – kỹ năng – thái độ thông qua xây dựng chương trình đào tạo ở nhiều chuyên ngành, trong đó ngành Quản lý tài nguyên và môi trường là một ngành mũi nhọn đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội, cho địa phương. Cộng đồng đóng góp về tri thức bản địa địa phương, kỹ năng và thực hành nông nghiệp/ẩm thực…Kết quả của sự kết nối bao gồm sáng kiến cộng đồng, các hoạt động hướng dẫn tham quan học tập, thực hành bảo vệ môi trường, tài nguyên địa phương, từ đó hướng đến thay đổi nhận thức và thái độ về vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ và quản lý tài nguyên, môi trường.
Sự kết nối giữa hai bên được thực hiện thông qua việc xây dựng điểm học tập cộng đồng (Community learning Hub) hướng đến hài hòa về Lợi ích xã hội: Quản lý tài nguyên môi trường dựa vào cộng đồng; Lợi ích về môi trường: xanh, sạch đẹp; Lợi ích về phát triển thông qua kinh tế môi trường.

Hội thảo cũng đánh giá về nguồn lực cộng đồng Cẩm Thanh và các chương trình du lịch học tập tại điểm cộng đồng. Cẩm Thanh có nguồn cảnh quan, tài nguyên đa dạng với nhiều di tích lịch sử, kiển trúc nghệ thuật, danh thắng. Người dân Cẩm Thanh được sự hỗ trợ của nhà khoa học, chuyên gia để chuyển đổi sang canh tác hữu cơ để nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp. Cộng đồng cũng được phát triển về năng lực quản lý môi trường, phân loại rác tại nguồn, xử lý rác thải. thông qua những buổi tập huấn về quản lý TN-MT, quản lý du lịch và sinh thái.
Nhiều kết quả từ các hoạt động đã đạt được, trong đó các vườn rau Thanh Đông và Đồng Giá đã tiếp nhận tổng cộng 1451 sinh viên, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước đến thăm và nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài nguyên, môi trường, sinh thái, du lịch hướng đến bền vững.

Hội thảo cũng đã đánh giá về xu hướng phát triển, các thuận lợi và khó khăn cần giải quyết để đạt kết quả thực tiễn tốt hơn như: trong bối cảnh tác động xấu của du lịch đến MT- TN, mô hình du lịch cộng đồng Cẩm Thanh có tác động tích cực đến tài nguyên – môi trường và sinh kế của người dân địa phương. Đánh giá của chính cộng đồng là mô hình đã đạt được thành công nhất định – khai thác hết nguồn lực của cộng đồng, phục vụ cho cộng đồng và tự tham gia quản lý, bảo vệ môi trường, tài nguyên. Cả 3 khía cạnh của PTBV đã được quan tâm đến, tuy nhiên về văn hóa- sản phẩm du lịch còn chưa đa dạng, cần phát triển và có dấu ấn đặc thù về văn hóa địa phương hơn nữa. Các cộng đồng hoạt động chưa có cơ quan quản lý, điều phối chính thức về mặt pháp lý, chưa có chương trình hợp tác lâu dài với trường đại học…Để phát triển lâu dài rất cần các đánh giá hiệu quả về kinh tế của hoạt động du lịch cộng đồng cùng như các phản hồi về yêu cầu của đối tượng khách hàng/ khách du lịch để điều chỉnh và phát triển hoạt động du lịch cộng đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *