Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ V” diễn ra từ ngày 26 – 27/7/2024 tại Hội trường Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng với sự tham gia hơn 120 đại biểu từ Trung ương đến địa phương, đại biểu trong nước và quốc tế, bao gồm các nhà khoa học, nhà quản lý, tổ chức xã hội, chính quyền, trường Đại học, Cao đẳng, các viện, trung tâm, doanh nghiệp và cộng đồng. Đây là hội thảo thường niên do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng phối hợp với các bên liên quan đồng tổ chức với chủ đề thay đổi theo từng năm. Chủ đề hội thảo lần thứ I (2018) là “Bài học kinh nghiệm về phát triển du lịch tại các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên”; chủ đề lần thứ II (2019) là “Đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên – Những mô hình tốt và đề xuất chính sách”, chủ đề lần thứ III (2022) là “Tương lai cho phục hồi các hệ sinh thái trọng điểm và bảo tồn các loài nguy cấp” và chủ đề lần IV (2023) là “Phát triển lâm nghiệp bền vững”.
Hội thảo lần này đồng tổ chức bởi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn ĐDSH Nước Việt Xanh (GreenViet) với chủ đề “Bảo tồn biển”. Là diễn đàn cùng kết nối, hợp tác, chia sẻ và hành động góp phần hiện thực hoá Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (trong đó có mục tiêu đến năm 2030 phát triển diện tích các khu bảo tồn biển đạt tối thiểu 6%), và Quyết định số 389/QĐ-TTg ngày 09 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (trong đó có mục tiêu thành lập và hoạt động hiệu quả 27 khu bảo tồn biển với tổng diện tích khoảng 463.587 ha, chiếm khoảng 0,463% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; 149 khu vực ở vùng biển được khoanh vùng bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống của các loài thủy sản).
Việt Nam có bờ biển trải dài trên 3.260km, với 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ và 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Biển Việt Nam nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học khá cao, xếp thứ 16 trong trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật biển đã được phát hiện. Trong đó, có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, 225 loài tôm biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước, 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn, 14 loài cỏ biển, khoảng hơn 400 loài san hô. Có hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, có năng suất sinh học cao và quyết định toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển. Các hệ sinh thái biển, ven biển đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, điều hòa thời tiết khí hậu và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các hệ sinh thái này đã tạo nên tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển rất to lớn và cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng bền vững như nghề cá, nuôi trồng, du lịch.
Đối với phát triển bền vững kinh tế biển miền Trung còn có vai trò quyết định đối với phát triển kinh tế biển của cả nước, bởi đây là khu vực có 14/28 tỉnh, thành phố giáp biển của cả nước, với bờ biển dài gần 2.000km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước (3.260 km). Với 14 tỉnh và thành phố giáp biển, khu vực duyên hải miền Trung có nhiều bãi biển, vùng biển và đảo đẹp, cùng với nhiều tài nguyên thiên nhiên quý và hệ sinh thái đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, du lịch, vận tải và có tiềm năng trong việc phát triển các cảng biển lớn, điện gió. Tập trung nhiều khu kinh tế ven biển quan trọng, như Nghi Sơn, Vũng Áng, Chu Lai, Dung Quất; có nhiều cảng biển nước sâu, như Chân Mây, Tiên Sa, Kỳ Hà, Chu Lai, Dung Quất, Quy Nhơn.
Trong những năm qua, ngành thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới. Năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành Thủy sản ước đạt khoảng 9,2 tỷ USD. Ước tính đến hết tháng 12/2023: Tổng sản lượng thủy sản đạt 9,269 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2022 (9,087 triệu tấn). Sự phát triển của ngành thủy sản đã góp phần quan trọng vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho cộng đồng ngư dân, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Biển là chỗ dựa sinh kế quan trọng cho khoảng 20 triệu người dân ven biển.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Thủy sản đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Khai thác quá mức, khai thác bằng các ngư cụ trái phép; ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản; “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với sản phẩm thủy sản khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định; tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn biển ngày càng tinh vi và chưa được giải quyết triệt để; nguồn nhân lực và kinh phí đầu tư cho các khu bảo tồn biển còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Các hệ sinh thái biển đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa và rủi ro ngày càng tăng từ các hoạt động phát triển của con người như: san lấp, lấn biển, để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn tại các khu vực ven biển, ven đảo; phá rừng ngập mặn để nuôi trồng thủy sản, xây dựng cơ sở du lịch, khu công nghiệp; phát triển du lịch biển tự phát không theo quy hoạch, không gắn kết với bảo vệ môi trường, bảo tồn các hệ sinh thái biển, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép trong khu bảo tồn biển; sử dụng ngư cụ khai thác có tính hủy diệt…
Mặc dù, Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương đã quan tâm, nhưng các Khu bảo tồn biển ở Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn như: Suy giảm đa dạng sinh học tăng nhanh, khai thác và nuôi trồng thủy sản không bền vững, a-xít hóa đại dương; ô nhiễm rác thải nhựa. Mặt khác, công tác bảo tồn biển của Việt Nam còn rất nhiều hạn chế, bất cập như:
- Chính sách đầu tư phát triển mạng lưới Khu bảo tồn biển chưa tương xứng với mục tiêu và nhiệm vụ;
- Mô hình tổ chức bộ máy quản lý khu bảo tồn biển ở địa phương chưa thống nhất; đội ngũ bảo tồn biển còn thiếu và yếu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế;
- Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng thực thi pháp luật trên biển còn hạn chế, nhất là trong công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm do thiếu cơ chế phối hợp và nguồn kinh phí triển khai;
- Ranh giới khu bảo tồn biển có nơi chưa được xác định rõ ràng, việc điều chỉnh thiếu cơ sở khoa học, chủ yếu nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, ít coi trọng vấn đề bảo tồn biển;
- Tình trạng vi phạm pháp luật tại các khu bảo tồn biển còn phức tạp, nhất là trong việc khai thác, vận chuyển, buôn bán san hô, động vật, thực vật biển;
- Xung đột lợi ích bảo tồn và phát triển du lịch, kinh tế.
Vì vậy công tác bảo tồn biển, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản bền vững là một nhiệm vụ hết sức quan trọng không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia, vùng lãnh thổ mà đã trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng, là nhiệm vụ chung của toàn thế giới. Hướng đến phát triển xanh là mục tiêu của kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững trên cơ sở tận dụng các nguồn chất thải, duy trì sử dụng lâu dài các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên. Do đó, phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu, vừa đảm bảo mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế, vừa phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trước những cơ hội và thách thức như đề cập trên, hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên” lần thứ V với chủ đề “Bảo tồn biển” sẽ cùng nhau quan tâm, thảo luận và nghiên cứu một số giải pháp cho các vấn đề sau:
Thứ nhất, chú trọng quy hoạch không gian phát triển biển dựa trên tiếp cận hệ sinh thái. Dựa trên các nguyên lí sinh thái, quy hoạch phát triển biển phải dựa trên sự vận động của tự nhiên để sắp xếp không gian, phân bổ nguồn lực đầu tư nhằm đảm bảo bền vững trong từng thời kì, đồng thời đảm bảo xuyên suốt trước sau, không phụ thuộc vào nhiệm kì hay lợi ích ngắn hạn. Để làm được điều đó, phải đảm bảo có một nguồn dữ liệu khoa học đầy đủ, tin cậy về thiên nhiên, về văn hóa lịch sử; cùng với việc đầu tư nghiên cứu, đánh giá đầy đủ hiện trạng và nhất là phải dựa vào lí thuyết nền tảng.
Thứ hai, quan tâm nhiều hơn đến mục tiêu bảo vệ lãnh hải và chiến lược phát triển kinh tế biển. Hiện nay, chúng ta quan tâm đến chiến lược phát triển kinh tế biển, nhưng lại tập trung đầu tư quá nhiều dự án công nghiệp nặng và bất động sản ven biển. Xây dựng nhiều công trình lấn biển và xả thải chất thải vào biển, tất cả đã gây nên nhiều thách thức đối với mục tiêu bảo vệ lãnh hải. Mỗi khi phát triển công nghiệp nặng ven biển và đô thị hoá ven biển thì ô nhiễm môi trường sẽ gia tăng, suy thoái hệ sinh thái sẽ nghiêm trọng, kéo theo trữ lượng hải sản suy giảm. Công tác bảo tồn biển cần quan tâm nhiều hơn, khai thác hải sản thông minh cần được xem trọng. Phát triển bền vững kinh tế biển phải dựa trên nền tảng tri thức bản địa và khoa học hiện đại, không chỉ tập trung đầu tư vào các dự án quy mô lớn và thu hút được nhiều ngoại tệ.
Thứ ba, cần xem trọng nông nghiệp – ngư nghiệp đúng bản chất của một ngành kinh tế quan trọng
Việt Nam có lợi thế về biển, rừng và nông nghiệp… nhưng lĩnh vực này còn đầu tư quá thấp; chưa phát huy được lợi thế và thậm chí mất dần nếu tiếp tục đầu tư ào ạt các dự án công nghiệp ven biển ở vùng Bắc trung bộ và duyên hải miền Trung. Điều đó sẽ dẫn đến việc thu hút hết nguồn lực lao động nông thôn vào các khu công nghiệp; ngư dân bỏ biển, nông dân bỏ đất canh tác; ngư trường thu hẹp; đất bạc màu, núi sạt lở; suy thoái đa dạng sinh học diễn ra nhanh chóng. Kinh nghiệm phát triển của nhiều nước trên thế giới cho thấy, nước nào lãng quên khu vực nông nghiệp, nông thôn trong quá trình phát triển thì kinh tế phát triển chậm, thậm chí tụt hậu. Phần lớn các nước có tăng trưởng nông nghiệp trên 3%/năm thì cũng đạt tăng trưởng kinh tế trên 5%/năm.
Thứ tư, phát triển du lịch đúng bản chất là ngành kinh tế kết nối
Trong thời gian qua, rất nhiều địa phương đầu tư chuyển đổi mô hình tăng trưởng tập trung kinh tế mũi nhọn là du lịch. Rất nhiều dự án quy mô lớn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp, đất rừng sang đất thương mại – dịch vụ. Với tham vọng “gà đẻ trứng vàng” từ “công nghiệp không khói”. Song thực tế từ khi đại dịch COVID-19 diễn ra, hầu hết đã phải phá vỡ và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro to lớn. Tất cả đều cho thấy chúng ta chỉ lo “bề nổi” rất thiếu chiều sâu, nhất là sai từ nguyên lí. Vì vậy, cần quay về với đúng bản chất của ngành du lịch, đó phải là ngành kinh tế kết nối. Trước hết là kết nối lịch sử – văn hóa để giao lưu và hội nhập; kết hợp với các ngành kinh tế sản xuất và dịch vụ để làm cho chuỗi giá trị được gắn chặt và gia tăng giá trị; kết nối giống như lưới thức ăn của hệ sinh thái. Mỗi khi làm được điều đó thì nền kinh tế của đất nước, của các địa phương mới phát triển bền vững.
Thứ năm, xác định “vạch đỏ bảo vệ sinh thái” và quyết tâm gìn giữ
Để đảm bảo cân bằng các mục tiêu phát triển, cần thiết phải xác định được ngưỡng đảm bảo an ninh sinh thái quốc gia. “Vạch đỏ bảo vệ sinh thái” hay “ngưỡng sinh thái” là một giới hạn cần phải xác lập. Dựa vào các nguyên lí phong thủy của phương Đông hay tiếp cận Quy hoạch môi trường của phương Tây, xác định “vạch đỏ bảo vệ sinh thái” cho từng khu vực và cho cả quốc gia là có thể thiết lập và rất cần triển khai. Quy hoạch và quản lí quy hoạch khu bảo tồn biển trong bối cảnh hiện nay chính là tiếp cận gìn giữ, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, tránh chạm “vạch đỏ”.
Thứ sáu, kiên trì thực hiện đúng từ nguyên lí đối với các khu bảo tồn biển để phát triển kinh tế biển
Nền tảng cho kinh tế biển là các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ hệ sinh thái tự nhiên. Các hệ sinh thái và quá trình hệ sinh thái bao gồm sự tương tác giữa môi trường sống và không sống ngày càng được các nhà quản lý, nhà khoa học quan tâm và xem như nguồn vốn biển tự nhiên quan trọng cho phát triển kinh tế biển. Các hệ sinh thái biển và ven biển không chỉ lưu trữ một lượng lớn CO2, mà còn bảo vệ các bờ biển và cộng đồng khỏi tác động của biến đổi khí hậu; cung cấp thực phẩm, cơ hội kinh tế, dược phẩm và giải trí, môi trường sống. Một cách tiếp cận tổng hợp thông minh với khí hậu và tập trung vào các giải pháp “thuận thiên”, mở rộng và quản lý thật tốt các khu bảo tồn biển, cùng với phát triển hạ tầng ven biển hợp lý sẽ là những yếu tố quan trọng để bảo vệ các cộng đồng ven biển và sinh cảnh biển.
Khu bảo tồn biển được xem là “công cụ” hữu hiệu trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng, bảo vệ và mang lại cơ hội sinh sống, sinh sản cho những loài thủy sản. Khu bảo tồn biển còn là không gian giáo dục và nghiên cứu khoa học; hoạt động du lịch và cung cấp sinh kế cho cộng đồng dân cư địa phương. Trong môi trường sống ngày càng nhiều áp lực do những vấn đề về kinh tế, môi trường, việc tìm về với thiên nhiên, với biển đang là một xu hướng tích cực.
Công tác bảo tồn biển hiện nay cơ bản đã có hành lang pháp lí đầy đủ như Luật đa dạng sinh học (2008), Luật Biển Việt Nam (2012), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (2015), Luật Thủy sản (2017), Luật Bảo vệ môi trường (2020). Tuy nhiên, vẫn cần quan tâm hơn ở hệ thống chính sách, quy định dưới luật phù hợp với thực tế, để thuận tiện cho việc thực thi hiệu quả.
Điều đáng quan ngại nhất hiện nay là, mặc dù Việt Nam là quốc gia biển, nhưng công tác nghiên cứu khoa học về biển còn rất hạn chế. Đến nay hầu hết các ngành đào tạo liên quan đến biển trong cả nước đều tuyển sinh rất khó; chất lượng đầu vào đã suy giảm. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước cần kiến thiết lại các chính sách vĩ mô, nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực thực sự tốt, cũng như có chế độ đãi ngộ hợp lí để thu hút nguồn lực chất lượng cao phục vụ lĩnh vực bảo tồn biển và phát triển bền vững đất nước.
(Thông cáo báo chí từ BTC Hội thảo)