Ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường tại Khoa Sinh-Môi trường

1. GIỚI THIỆU CHUNG
Khoa Sinh – Môi trường trực thuộc Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng có nhiệm vụ đào tạo đại học và sau đại học, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực Sinh học và Môi trường. Trong nhiều năm qua, với thế mạnh của mình như: đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học được đào tạo chuyên sâu ở trong và ngoài nước, có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu và giảng dạy đại học và sau đại học; hệ thống cơ sở vật chất, các phòng thí nghiệm với các trang thiết bị đồng bộ và hiện đại, Khoa đã đào tạo được hàng nghìn sinh viên bậc đại học các ngành: Cử nhân sư phạm Sinh học, Cử nhân khoa học Sinh – Môi trường, Cử nhân Quản lý Tài nguyên và Môi trường (QLTN & MT) và hàng trăm học viên cao học ngành: Sinh thái học.
Đứng trước những thách thức mới đặt ra cho toàn xã hội hiện nay về vấn đề quản lý tài nguyên và môi trường, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên ngành QLTN & MT phục vụ cho sự phát triển bền vững KT-XH khu vực miền Trung – Tây nguyên, năm 2011 Khoa Sinh – Môi trường – Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN đã chính thức tuyển sinh ngành Cử nhân khoa học QLTN & MT. Đến với Ngành học này, các bạn sẽ được trang bị đầy đủ: những kiến thức cơ bản về quản lý tài nguyên, môi trường; kỹ năng quản lý, nghiên cứu, đánh giá môi trường các vùng lãnh thổ; sử dụng các công cụ tin học, hệ thống thông tin địa lý và kỹ thuật viễn thám trong nghiên cứu môi trường; quản lý môi trường, quy hoạch môi trường, mô hình hóa môi trường; đề xuất các chính sách cho công tác bảo vệ môi trường; quan hệ tác động qua lại giữa con người và các hệ sinh thái trong tự nhiên, diễn biến và kiểm soát ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; Các bạn còn được tham gia nghiên cứu các quá trình xử lý lý, hóa, sinh học; thiết kế hệ thống xử lý và tái sử dụng chất thải, khí thải và chất thải rắn.

2. CHUẨN ĐẦU RA
Người học khi tốt nghiệp chương trình đào tạo ngành Quản lý Tài nguyên và Môi trường của Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng có khả năng:
  • Vận dụng được kiến thức khoa học chính trị, pháp luật, tự nhiên, khoa học xã hội và chuyên ngành vào các hoạt động quản lý tài nguyên và môi trường.
  • Thực hiện được các công việc chuyên môn trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm môi trường và bảo tồn thiên nhiên.
  • Thực hiện được nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm môi trường và bảo tồn thiên nhiên.
  • Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng ngoại ngữ trong công việc kiểm soát ô nhiễm môi trường và bảo tồn thiên nhiên.
  • Phát triển kĩ năng giao tiếp, làm việc nhóm.
  • Thể hiện tư duy phản biện, sáng tạo; năng lực giải quyết vấn đề phức tạp.
  • Thực hiện hành vi ứng xử phù hợp với đạo đức nghề nghiệp; tham gia phục vụ cộng đồng và tinh thần khởi nghiệp.

3. CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP

Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản lý tài nguyên và môi trường có thể làm việc trong lĩnh vực sau:

  • Là công chức, viên chức ở các cơ quan quản lý nhà nước:
    • Bộ/Sở/Phòng: Tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thông.
    • Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.
    • Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia.
    • Cảnh sát môi trường.
  • Là lãnh đạo/ điều phối viên, chuyên viên dự án các tổ chức quốc tế/ tổ chức phi chính phủ (NGOs).
  • Là lãnh đạo, nhân viên tại các doanh nghiệp:
    • URENCO/Công viên cây xanh;
    • HSE trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp;
    • Cán bộ phụ trách ISO-14000;
    • Tư vấn giám sát môi trường;
    • Kinh doanh thiết bị môi trường.
    • Điều hành công tác xử lý môi trường của doanh nghiệp.
  • Là nghiên cứu viên, giảng viên, kỹ thuật viên, giáo viên tại trung tâm, viện NC, trường ĐH/CĐ, THPT.

4. THÔNG TIN TUYỂN SINH 2024

  • Tên ngành: Quản lý Tài nguyên và Môi trường
  • Mã ngành: 7850101
  • Chỉ tiêu dự kiến: 40
  • Phương thức và tổ hợp xét tuyển:
    • Theo kết quả học tập THPT/học bạ (12 chỉ tiêu):
      • Điểm xét tuyển (ĐXT) = Tổng điểm các môn trong tổ hợp + Điểm ưu tiên (quy đổi) theo Quy chế tuyển sinh hiện hành;
      • Điểm môn học dùng để xét tuyển là điểm trung bình môn lớp 10, lớp 11 và học kỳ I năm lớp 12; làm tròn đến 2 số lẻ;
      • Điểm chuẩn năm 2023: 15.
    • Theo điểm thi THPT (23 chỉ tiêu):
      • Điểm xét tuyển (ĐXT) = Tổng điểm các môn trong tổ hợp xét tuyển + Điểm ưu tiên (quy đổi) theo Quy chế tuyển sinh hiện hành;
      • Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Trường sẽ công bố ngưỡng xét tuyển đầu vào;
      • Điểm chuẩn năm 2023: 15.9.
    • Tuyển thẳng (02 chỉ tiêu):
      • Thí sinh đã tốt nghiệp THPT và đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hoặc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế do Bộ GD&ĐT tổ chức, cử tham gia;
    • Theo kết quả đánh giá năng lực ĐHQG thành phố Hồ Chí Minh (01 chỉ tiêu):
      • Điểm xét tuyển (ĐXT) = Điểm bài thi ĐGNL + Điểm ưu tiên (quy đổi) theo Quy chế tuyển sinh hiện hành.
      • Điểm chuẩn năm 2023: 600.
    • Tuyển sinh riêng (02 chỉ tiêu):
      • Nhóm 1: Học sinh đạt giải khuyến khích tại các kỳ thi HSG Quốc gia, KHKT cấp Quốc gia thuộc các năm 2022, 2023, 2024.
      • Nhóm 2: Học sinh đạt giải tại kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc các năm 2022, 2023, 2024.
      • Nhóm 3: Học sinh đạt giải tại kỳ thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc các năm 2022, 2023, 2024.
      • Nhóm 4: Học sinh học trường THPT chuyên.
      • Nhóm 5: Học sinh giỏi liên tục các năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12.
      • Nhóm 6: Học sinh đạt chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 5,0 hoặc TOEFL iBT từ 60 điểm, TOEIC (04 kỹ năng) từ 600 điểm trở lên.
    • Tổ hợp xét tuyển:
      • Toán + Hóa học + Sinh học (B00)
      • Toán + Địa lý + Ngữ Văn (C04)
      • Toán + Vật lý + Hóa học (A00)
      • Toán + Sinh học + Ngữ văn (B03)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *