Khởi đầu, kết thúc, niềm tin và hi vọng trong Hành trình tham gia Khoá tập huấn Bảo tồn thú linh trưởng Việt Nam năm 2023

Bắt đầu khoá học là những gương mặt đầy lạ lẫm, có những anh chị đã trang bị cho mình một số kỹ năng, kiến thức, trong khi đó một số em sinh viên thì chưa có nhiều cơ hội được tiếp xúc với công tác bảo tồn. Cứ ngỡ khoảng cách này sẽ rất lớn, nhưng từ bao giờ, 9 ngày học tập và trải nghiệm, các học viên đã thu hẹp khoảng cách này đến mức chúng ta không còn nhận ra chúng ta đã từng xa lạ, đã từng có khác biệt quá lớn, đã từng có những rào cản. Hãy cùng nhìn lại hành trình mà chúng ta đã đồng hành cùng nhau các bạn nhé!

Ba ngày đầu tại thành phố Đà Nẵng, các bạn học viên đã được trang bị cho mình những kiến thức liên quan đến sơ cấp cứu, nhận dạng 25 loài thú linh trưởng Việt Nam, nghiên cứu khoa học, truyền thông và giáo dục bảo tồn, làm phim về bảo tồn thiên nhiên, nghề nghiệp bảo tồn. Những kiến thức này đã được truyền đạt bởi những kinh nghiệm thực tiễn, trải nghiệm, kiến thức chuyên môn đến từ các anh chị, thầy cô là những người đã công tác trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học hơn 10 năm.

Kết thúc những ngày học lý thuyết, các học viên đã có 5 ngày đến, ở và trải nghiệm tại vùng đất của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, tỉnh Gia Lai. Bắt đầu với những câu chuyện chia sẻ về Vườn, về các công việc tại Vườn, các dự án, hoạt động nhằm bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn, được trực tiếp phỏng vấn người dân địa phương. Tiếp đến, các bạn học viên được trang bị cho mình những kỹ năng về việc sử dụng các thiết bị thực địa như GPS, La bàn, Bản đồ, Camera trap, Máy đo khoảng cách, Ống nhòm.. để sẵn sàng cho chuyến đi vào rừng.

Những ngày sống, sinh hoạt và học tập tại rừng, các bạn đã được trực tiếp sử dụng các thiết bị dụng cụ để chinh phục những tuyến nghiên cứu, thực hành khảo sát động vật hoang dã theo tuyến bằng cách nhận biết trực tiếp hoặc thông qua các dấu hiệu gián tiếp, thu mẫu, xử lý mẫu thực vật, lập ô tiêu chuẩn để nghiên cứu về sinh cảnh sống của thú linh trưởng, vẽ trắc diện đồ, thực hành sử dụng phần mềm Distance Sampling,… Thông qua các buổi học thực tế này, các bạn học viên không chỉ giúp chính mình mà còn là người bạn đồng hành tử tế, tin cậy và luôn hết lòng vì các thành viên khác.

Kết thúc khoá học, các nhóm đã xây dựng cho mình những ý tưởng để tiếp tục hiện thực hoá những dự định còn dang dở, các dự án truyền thông, gây quỹ, nghiên cứu đã được các bạn thể hiện rõ hình hài và BTC tin chắc rằng niềm tin ở các bạn học viên về việc mình có thể làm được sẽ là hi vọng to lớn trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong tương lai.

Khóa tập huấn thú linh trưởng do khoa Sinh – Môi trường phối hợp với Hội động vật Frankfurt tại Việt Nam tổ chức hàng năm từ năm 2006. Tính đến nay đã tổ chức được 17 khóa tập huấn với gần 350 sinh viên tham gia. Qua khảo sát trực tuyến của Hội động vật Frankfurt tại Việt Nam thực hiện cho thấy, 95% người từng tham gia khóa tập huấn được nâng cao về kiến thức, thái độ và nhận thức về bảo tồn. 74% người tham gia đã sử dụng kiến thức và kỹ năng học được cho công việc của mình, 49,5% người được hỏi cho biết họ có nhiều ý tưởng hơn cho đề tài về nghiên cứu thú linh trưởng, với kết quả ấn tượng là có 32 luận án và 12 bài báo khoa học đã được thực hiện tại Việt Nam. Cựu học viên cũng có nhiều cơ hội để tiếp tục thực hiện các dự án hậu tập huấn do Tổ chức Franfurt tại Việt Nam tài trợ, cũng như thành lập các câu lạc bộ về môi trường và bảo tồn thiên nhiên, hay các tổ chức NGO trong lĩnh vực này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *