Khoa Sinh – Môi trường phối hợp với Văn phòng hợp tác Hội động vật học Frankfurt tổ chức Seminar “Giá trị rừng và đa dạng sinh học miền Trung và Tây Nguyên”

Để kỷ niệm ngày “Rừng thế giới” 21/03/2022, Sinh – Môi trường đã phối hợp cùng Văn phòng hợp tác Hội động vật học Frankfurt tổ chức buổi seminar chủ đề “Giá trị rừng và đa dạng sinh học miền Trung và Tây Nguyên”.

Tham gia seminar có sự đóng góp của các chuyên gia về rừng và giáo dục bảo tồn thiên nhiên: PGS.TS. Viên Ngọc Nam từ trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh và KS. Lê Thị Trang từ LIDV Việt Nam, TS. Hà Thăng Long, Chủ tịch hội đồng sáng lập GreenViet, đại diện Ban Giám Hiệu nhà trường và Phòng Khoa học và Hợp tác Quốc tế Trường Đại học Sư Phạm, giảng viên và sinh viên các Khoa Sinh – Môi trường, Khoa Địa lý, Lịch sử và Khoa Nghệ thuật – Trường Đại học Sư Phạm.

Đến với seminar, các bạn sinh viên đã được nghe các diễn giả trình bày những vấn đề về giá trị của rừng và đa dạng sinh học nói chung và tại miền Trung và Tây Nguyên nói riêng, về vai trò của giáo dục bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt cho đối tượng là học sinh, trong việc khơi dậy niềm tự hào và trân trọng, bảo vệ thiên nhiên hoang dã, đóng góp vào việc phát triển, bảo tồn thiên nhiên nói chung và tài nguyên rừng và đa dạng sinh học nói riêng.

Ngoài ra, các bạn sinh viên còn được trau dồi kỹ năng tranh biện tại seminar, thông qua cuộc thi tranh biện với chủ đề: “Bảo vệ nghiêm ngặt rừng, cấm mọi hoạt động khai thác từ rừng là hy vọng duy nhất cho công tác bảo tổn rừng tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên”. Hai đội tham gia sẽ tham gia tranh biện với hai luận điểm chính sau:
(A): Cấm hoàn toàn người dân khai thác kinh tế tại các khu vực rừng được bảo vệ tại miền Trung và Tây Nguyên để phục vụ mục đích bảo tồn.
(B): Người dân phát triển kinh tế tại các khu vực được bảo vệ tại miền Trung và Tây Nguyên để phục vụ mục đích bảo tồn.

Thông qua cuộc tranh biện, chủ đề đưa ra sẽ được xem xét dưới một cái nhìn từ nhiều góc độ khác nhau, từ đó đưa ra giải pháp mang tính toàn diện và hiệu quả cho mục tiêu cần đạt được trong bảo tồn rừng và đa dạng sinh học miền Trung và Tây Nguyên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *