THÀNH CÔNG ĐẾN TỪ NHỮNG NỖ LỰC

Bạn đang yêu thích Sinh học và Môi trường? Bạn đang băn khoăn trước vô vàn lựa chọn trước ngưỡng cửa giảng đường Đại học?

Nhằm giúp các bạn thí sinh hiểu rõ hơn về môi trường và cơ hội học tập tại Ngành Quản lý Tài nguyên – môi trường từ đó đưa ra những lựa chọn hợp lý về ngành học và nghề nghiệp tương lai, hôm nay Ban truyền thông của Khoa Sinh – Môi trường, trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng sẽ gửi đến các bạn thí sinh nội dung cuộc trò chuyện ngắn với bạn Phan Nhật Trường, cựu sinh viên của ngành Quản lý Tài nguyên – môi trường.

PV: Chào bạn! Mình đến từ ban truyền thông của Khoa Sinh – Môi trường, trường ĐHSP – ĐHĐN. Được biết bạn là một cựu sinh viên của Khoa hiện đang du học nước ngoài nên hôm nay mình thực hiện buổi phỏng vấn này nhằm giúp những bạn đang và sẽ là sinh viên của Khoa có những thông tin cơ bản về chương trình đào tạo, những cơ hội trước và sau khi tốt nghiệp, đặc biệt là dành cho các bạn muốn theo đuổi con đường nghiên cứu và giảng dạy.

Đầu tiên, bạn có thể giới thiệu đôi nét về mình được không?

Trường: Mình là Trường, cựu sinh viên khoa SMT khóa 2012-2016, ngành QLTNMT. Hiện mình đang là học viên thạc sĩ năm đầu tiên ngành Khoa học và Quản lý Biển và Hồ (Marine and Lacustrine Science and Management) tại Vương Quốc Bỉ.

PV: Vậy điều gì khiến bạn lựa chọn con đường này thay vì ra trường và đi làm việc chuyên môn như những bạn khác?

Trường: có 3 lí do chính khiến mình chọn con đường này: thứ nhất, mình thích nghiên cứu khoa học, thích học hỏi những thứ mới mẻ; thứ hai, được trải nghiệm ở môi trường giáo dục châu Âu sẽ là một điều kiện tuyệt vời để mình mở rộng tầm mắt, phát triển bản thân đồng thời tìm kiếm những cơ hội tốt hơn, không chỉ cho mình mà còn cho đất nước mình (như các dự án, chương trình được tài trợ thực hiện tại Việt Nam); thứ ba, cá nhân mình cũng muốn thử thách và rèn luyện bản thân vì mình còn trẻ, còn muốn khám phá.

PV: Thực tế hiện nay rất nhiều bạn trẻ cũng có chung suy nghĩ như bạn, nhưng việc gặp nhiều trở ngại trong việc đi du học khiến không nhiều bạn thành công. Đơn cử như tìm kiếm học bổng, cách thức xin học bổng, kinh phí trang trải cho việc học (ngoài nguồn tài chính từ học bổng),v.v… Là một người đã từng trải khoảng thời gian ấy, bạn có những lời khuyên, chia sẻ gì cho các bạn cũng đang nung nấu ý định du học như bạn 2 năm về trước?

Trường: Đi du học không phải là thứ muốn mà có được liền, mà cần được lên kế hoạch rõ ràng. Hai yếu tố quan trọng nhất mà bạn cần chuẩn bị đó là tiếng Anh và thành tích (cả học tập lẫn hoạt động ngoại khóa).

Tiếng Anh thì mình không cần phải nhắc nữa vì hầu hết các bạn có quan tâm đến du học đều biết, IELTS 6.5 là mức tối thiểu mà bạn cần đạt được. Tuy nhiên tiếng Anh chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là thành tích mà bạn đạt được trong những năm học đại học, thứ mà người ta sẽ thực sự nhìn vào để đánh giá năng lực của bạn (cùng với những bài luận và recommendation letters).

Về việc tìm kiếm học bổng, đây là việc vừa dễ vừa khó. Dễ vì thời đại công nghệ thông tin này, chỉ cần lên google search là sẽ ra rất nhiều nguồn học bổng, khó là để tìm được 1 học bổng vừa phù hợp với sở thích, vừa ưng ý về khoản tài chính hay các lí do cá nhân khác, bạn thực sự phải đầu tư thời gian để tìm hiểu về học bổng thông qua trang tin chính thức của học bổng, qua các cựu du học sinh hay trao đổi với những người bạn tin tưởng. Có thể chia các học bổng làm 2 nguồn chính, học bổng Nhà nước Việt Nam cấp và học bổng các tổ chức, Chính phủ nước ngoài cấp, mỗi loại có những điều kiện riêng, thông tin trên mạng khá đầy đủ và hữu ích, các bạn có thể tự tham khảo. Chỉ cần đọc kỹ và làm theo hướng dẫn, có thắc mắc thì mạnh dạn gửi email để hỏi, không có gì phải sợ.

Đây là việc rất mất thời gian nên nếu không muốn tìm đến các dịch vụ ở trung tâm tư vấn du học thì các bạn thực sự phải nghiêm túc và đầu tư thời gian, kể cả tiền bạc. Tuy nhiên nếu được thì thành quả cũng rất ngọt.

PV: Như vậy chúng ta có thấy, để đến được với ước mơ thì ngay từ đầu chúng ta phải nghiêm túc với nó đã, đúng ko Trường? Theo như bạn chia sẻ thì 2 yếu tố đầu tiên mà chúng ta cần có trong tay đó là khả năng sử dụng Tiếng Anh và thành tích học tập. Bạn cũng từng là SV nên phần nào bạn thấy được nhiều bạn sinh viên thường không thể đầu tư hiệu quả cả 2 cùng 1 lúc. Vậy bạn có lời khuyên nào cho các bạn ấy ko?

Trường: Thực ra như mình nói, muốn có thành quả thì phải đầu tư. 4 năm học đại học là khoảng thời gian đủ để các bạn tích lũy kiến thức và kỹ năng. Quan trọng là các bạn sắp xếp, quản lý thời gian của mình thế nào. Vì mỗi người mỗi cá tính, mỗi phong cách sống nên rất khó để đưa ra lời khuyên chung cho mọi người. Mình chỉ khuyên các bạn hãy thật nghiêm túc với bản thân, nghiêm túc với tương lai của mình. Các bạn còn trẻ những cũng không còn là con nít để vô tư. Nên dành thời gian để suy nghĩ, để hỏi chính mình những câu hỏi như: mình muốn làm gì sau này? mình giỏi làm gì?… Tức là các bạn phải tự hiểu bản thân mình trước, rồi mới nghĩ đến việc làm thế nào sau. Đích đến thì có thể chỉ một nhưng đường đi thì rất nhiều, không cách này thì cách khác.

Ví dụ, trong thời gian mình là sinh viên của Khoa Sinh Môi trường, mình tích cực tham gia nghiên cứu khoa học để củng cố kiến thức lý thuyết, học hỏi thêm về các kỹ năng thu mẫu, thực địa, làm phòng thí nghiệm hay xử lý số liệu. Thật may mắn là cánh cửa phòng thí nghiệm khoa Sinh – Môi trường luôn rộng mở chào đón các bạn, thầy cô và các anh chị nhiệt tình hướng dẫn bạn ngay từ những ngày đầu tiên. Tham gia các nghiên cứu khoa học cũng là cách học tiếng Anh chuyên ngành hiệu quả của mình, vì làm nghiên cứu đòi hỏi phải đọc nhiều tài liệu bằng tiếng Anh, đôi khi phải dịch và làm seminar… dần dần trình độ sẽ được nâng cao. Một cách khác để vừa tham gia hoạt động ngoại khóa vừa học tiếng Anh là tham gia các chương trình giao lưu học thuật với các tổ chức nước ngoài. Khoa Sinh Môi trường có rất nhiều chương trình thường niên như vậy như: Khóa bảo tồn thú linh trưởng, Summer School hay Global village. Ngoài ra mình còn có cơ hội được gặp gỡ và làm việc với các Giáo sư, các chuyên gia đến từ nước ngoài qua những chương trình trao đổi học thuật giữa khoa Sinh – môi trường và các tổ chức quốc tế.

Các bạn cũng nên dành thời gian để tham gia các hoạt động thể dục thể thao văn nghệ khác mà khoa thường xuyên tổ chức, không chỉ để mở rộng mạng lưới liên kết với các sinh viên cùng và khác khoa, mà còn trao đổi thông tin, kiến thức, có một đời sống tinh thần phong phú hơn và sức khỏe dồi dào,

Những hoạt động mình vừa kể trên Khoa Sinh môi trường có rất nhiều bởi mạng lưới liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước của khoa khá mạnh nên cơ hội không thiếu, quan trọng là bạn có muốn trải nghiệm, nắm bắt nó hay không.

Với mình, chọn học ở Khoa là một trong những quyết định đúng đắn dù lúc đầu mình cũng đã từng đắn đo rất nhiều trước những lựa chọn.

PV: Vừa rồi chúng ta đã được Trường chia sẻ những trải nghiệm của bản thân về quãng thời gian học tập ở Khoa và chuẩn bị cho việc đi du học. Vậy còn ấn tượng nào về Khoa bên cạnh môi trường học tập mà bạn muốn các bạn sinh viên khác được biết không?

Trường: Có chứ. Mình đặc biệt ấn tượng với đội ngũ giảng viên. Bên cạnh chắc chuyên môn và giàu kinh nghiệm nghiên cứu, các thầy cô trong khoa còn rất thân thiện, gần gũi và thấu hiểu tâm lý sinh viên. Chính việc sẵn sàng nói chuyện, chia sẻ, hay thậm chí là có những lần giao lưu, đi chơi cùng sinh viên khiến quan hệ thầy trò rất khắn khít, người học càng muốn tới trường, người dạy càng muốn truyền đạt. Nhờ những thầy cô trong khoa truyền cảm hứng mà ngọn lửa đam mê nghiên cứu của mình được nhen nhóm và những lời động viên, hướng dẫn giúp nó vẫn còn bùng cháy đến tận giờ. Đó là một trong những động lực để mình đi trên con đường mình đang đi ngày hôm nay.

PV: Mình có thể cảm nhận được tình cảm và sự biết ơn, trân quý mà bạn dành cho các thầy cô trong khoa. Trở lại với các bạn sinh viên một chút, đối với những bạn không có đủ điều kiện để đi du học, Trường có lời khuyên nào cho các bạn ấy không?

Trường: Mình còn quá trẻ để đưa ra lời khuyên rằng các bạn nên hay không nên làm gì vì mình nghĩ mình trải nghiệm vẫn chưa đủ và việc đúng hay sai cũng chỉ là quan điểm cá nhân. Các bạn có thể đi làm liền, ngay tại Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung hiện đang có rất nhiều công ty, tổ chức về môi trường cần nguồn nhân lực trẻ, hoặc các bạn có thể Nam tiến (như nhiều bạn học của mình làm) để tìm kiếm cơ hội. Nếu các bạn muốn tiếp tục học lên thì cũng không khó, Ngay khoa Sinh hiện tại đang có 2 chương trình đào tạo Thạc sĩ về Sinh thái học và về Sinh học thực nghiệm. Mình chưa được học chương trình này nên không thể nói sâu vào nó nhưng mình biết đây là một chương trình chất lượng vì nó là sự lựa chọn của nhiều cựu học viên cao học hiện đang là giáo viên các trường THCS, THPT và cả giảng viên đại học công tác tại các trường ở miền Trung và Tây Nguyên. Các bạn có thể liên lạc trực tiếp để biết thêm chi tiết.

PV: Rất cám ơn bạn về những thông tin trên. Mình chúc bạn luôn mạnh khỏe, thực hiện được những dự định của mình và hẹn sớm gặp lại bạn. Cuối cùng, bạn có câu nói tâm đắc nào muốn gửi đến các bạn sinh viên không?

Trường: “Pressure makes diamonds” – Áp lực tạo nên kim cương và tựa đề của một cuốn sách “Không bao giờ là thất bại, tất cả chỉ là thử thách”. Chúc các bạn thành công!

PV: Cảm ơn Trường với những chia sẻ vô cùng hữu ích của bạn. Chúc bạn luôn thành công với những dự định của mình.

Thực

Hình ảnh bạn Phan Nhật Trường đi thực tế cùng các bạn sinh viên quốc tế

Thực hiện: Ban truyền thông , Khoa Sinh – Môi trường

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *