Cảm nhận sau 4 năm học tại trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng

Từ xưa đến nay, người làm nghề giáo thường được nhân dân kính trọng, tôn quý, vị nể. Sinh thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Tuy nhiên, vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp được gia đình, nhà trường, chính quyền và xã hội quan tâm. Để khắc phục được những hạn chế đó, nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm đúng ngành nghề đào tạo đạt 80% trở lên những năm vừa qua Khoa Sinh – Môi trường, Trường Đại học Sư phạm không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp (Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, xây dựng đội ngũ giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tiến công tác quản lý. Gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với các cơ sở tuyển dụng giáo viên, điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo cho phù hợp, phối hợp trong công tác thực tập và hỗ trợ tìm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.

 Trong bài viết này, chúng tôi gửi đến các bạn sĩ tử năm nay đôi điều chia sẻ của bạn Vũ Thị Xuân Thu , sinh viên mới vừa tốt nghiệp Ngành Sư phạm Sinh của Khoa. Thu hiện đã được tuyển dụng vào trường Phổ thông FPT – Đà Nẵng dù chưa nhận bằng tốt nghiệp.

Trước những thực tế rất khắc nghiệt mà sinh viên phải đối mặt sau khi ra trường, em vẫn rất tự hào với sự lựa chọn của mình khi nộp hồ sơ thi đại học: Khoa Sinh – Môi trường – Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

Điều em học được nhiều nhất ở đây, là cách làm người – làm thầy. Có thể chúng ta vẫn thường nghe được từ ai đó rằng lên đại học sẽ không còn nhận được sự quan tâm từ giảng viên như thời học cấp 3 nữa. Nhưng điều đó không hề đúng trong suốt 4 năm học vừa qua. Ngay từ năm nhất, thật may mắn cho tụi em khi được học những môn đại cương khó hiểu với những thầy cô cực kì tâm huyết. Khi nhận thấy lớp học còn yếu, thầy cô đã tổ chức những buổi học tăng cường thêm, nhiệt tình giảng dạy để tụi em hiểu bài. Có những thầy cô rất khó tính, nhưng đã luôn dạy tụi em rằng “Để làm được thầy của người khác, đầu tiên, các em phải tự làm thầy của chính mình. Tự răn dạy mình và đưa mình vào chuẩn mực. Làm thợ dạy thì dễ, nhưng làm được người thầy thì rất khó”. Đó như là bài học đạo đức đầu tiên của chúng em trên giảng đường đại học. Từ năm thứ hai, việc học trở nên thú vị hơn vì được học các môn chuyên ngành. Nhưng cùng với đó là tụi em bắt đầu va vấp vào những cú ngã đầu đời. Ngay lúc ấy, giáo viên chủ nhiệm – cô Tường Vi cùng với các giảng viên khác trong khoa dang vòng tay, cho tụi em một điểm tựa vững chắc để tâm sự và đưa ra những lời khuyên tốt nhất cho tụi em. Sau những va vấp ấy, ai cũng hiểu rằng, dù không thể hiện hằng ngày, thầy cô vẫn luôn yêu thương chúng em. Sau khi đã kết thúc môn, chúng em còn nhận được sự hỗ trợ của thầy cô cực kì nhiệt tình trong nghiên cứu khoa học và cả các cơ hội nghề nghiệp. Điều đó khiến em tự hào và cảm thấy yêu thêm 4 năm Đại học tại đây.

Điều thứ hai em học được là: Người lao động có thể thừa nhưng người giỏi thì luôn luôn thiếu. Thực tế cho chúng ta thấy hàng ngàn cử nhân ra trường thất nghiệp, nhưng thật sự là rất ít sinh viên ra trường đạt được những năng lực mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Chính vì vậy, khi đã bước chân vào trường đại học, hãy xác định thật rõ ràng mục tiêu 5 năm, 10 năm tới và cố gắng thực hiện điều đó. Hãy trở thành người mà các nhà tuyển dụng muốn nhận, không đắn đo, chứ đừng trở thành một trong hàng ngàn người lao đao vì “thất nghiệp”. Thật may mắn vì em đã được học với những giảng viên giỏi chuyên môn và giàu tâm huyết, thầy cô đưa kiến thức đến với sinh viên bằng những cách rất khác: hoạt động nhóm, làm dự án… Chính vì vậy, chúng em không chỉ hiểu được kiến thức mà còn phát triển những năng lực cần thiết cho mình. Một bí kíp để học thật nhẹ nhàng của em là hãy luôn là “thanh niên nghiêm túc” ở lớp: Luôn tìm chỗ ngồi ở 3 dãy bàn đầu, luôn ngồi ở chỗ thuận tiện tương tác với giảng viên, luôn tập trung vào bài giảng, ghi chép theo cách riêng và hỏi nhiều nhất có thể. Như vậy, bài học sẽ nhanh chóng được nhớ ở lớp, khi về nhà, một lần nữa ghi lại kiến thức bằng sơ đồ hay hình vẽ, thêm vào các ví dụ vui. Với bí kíp này, em đã có thêm thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa nhưng thành tích học tập vẫn tốt. Trường Đại học Sư phạm tổ chức rất nhiều những hoạt động ngoại khóa cho sinh viên, tham gia những hoạt động này là điều quan trọng thứ hai sau việc học vì nó cho em những kỹ năng cực kỳ cần thiết. Đến lúc ra trường, đây mới là điều khiến sinh viên trở nên thu hút trong mắt nhà tuyển dụng.

Điều cuối cùng, dù lựa chọn trường nào thì việc có thành công hay không cũng hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân mình. Hãy trở thành bản thể tốt nhất của chính mình – có mục tiêu và lí tưởng. Như vậy, khi cầm tấm bằng đại học, bạn sẽ nhớ về những nỗ lực và thành quả đạt được một cách đầy tự hào, tự tin với cả những nhà tuyển dụng khó tính.

Em xin gửi lời cảm ơn tới những thầy cô đã giảng dạy em trong suốt bốn năm qua tại trường Đại học Sư phạm vì những bài học rất ý nghĩa. Nhờ sự giúp đỡ của thầy cô và nỗ lực của mình mà khi chưa tốt nghiệp, em đã nhận được một công việc tốt theo đúng ngành học mà mình theo đuổi.

 MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG TRONG BỐN NĂM HỌC TẠI KHOA SINH – MÔI TRƯỜNG, TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM ĐÀ NẴNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *